3. Hiền tài là nguyên khí quốc gia 賢材國家之元氣– Thân Nhân Trung申仁忠
a. Tiểu sử tác giả
Thân Nhân Trung 申仁忠 (1419-1499), tự Hậu Phủ 厚甫, người xã Yên Ninh (tục gọi là làng Nếnh), huyện Yên Dũng, trấn Kinh Bắc (nay là thôn Yên Ninh, xã Hoàng Ninh, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang). Ngay từ nhỏ, Thân Nhân Trung đã được gia đình cho đi học để theo nghiệp khoa hoạn. Năm Quang Thuận thứ 10 (1469), khi đã 50 tuổi, Thân Nhân Trung dự trúng hội nguyên, nhưng khi vào thi Đình ông chỉ đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sỹ xuất thân (tên đứng thứ nhất).
Sau đó, ông được bổ làm quan, làm việc ở Viện Hàn lâm. Thân Nhân Trung là người cần mẫn, nhà vua rất ưu ái, tin dùng, giao cho nhiều trọng trách như Hàn lâm viện thị độc, Hàn lâm viện thừa chỉ, Chưởng Hàn lâm viện sự, Đông các Đại học sỹ kiêm Quốc tử giám Tế tửu, Thị mật Tham cơ chính sự, Thượng thư Bộ Lại, Nhập nội phụ chính. Thân Nhân Trung cùng với Đỗ Nhuận được vời vào Cung dạy học cho các Hoàng tử.
Dưới thời Lê Thánh Tông, đất nước Đại Việt tuy ổn định, nhưng nhà vua vẫn luôn quan tâm tới mọi mặt của đất nước, nhất là mối quan hệ bang giao với các nước láng giềng. Năm Hồng Đức thứ 6 (1475), Nhà Minh lấy cớ đuổi bắt kẻ chạy chốn, ngang nhiên cho quân qua đường sông Thao sang nước ta. Nhà vua nhận thấy Thân Nhân Trung là người học thức uyên bác, có thể đảm đương được trọng trách thương thuyết nên đã sai ông cùng với Thái phó Lê Niệm, Thượng thư Bộ Lại Hoàng Thiễm, Thượng thư Bộ Binh Đào Tuấn, Đông các hiệu thư Đỗ Nhuận đi tiễn sứ nhà Minh là Quách Cảnh về nước.
Khi Lê Thánh Tông lập hội Tao Đàn, tự xưng là Tao Đàn Đô nguyên suý, Thân Nhân Trung cùng Đỗ Nhuận được ban danh hiệu Tao đàn Phó Đô nguyên suý, bình thơ ngự chế và hoạ thơ "Quỳnh Uyển cửu ca". Hà Nhậm Đại 何 任 大, tiến sỹ triều Mạc đã ca ngợi ông như sau:
天將賢佐為時生
獨擅騷壇第一名
當世文章真大手
一門父子佩恩榮
Thiên tương hiền tá vị thời sinh,
Độc thiện Tao đàn đệ nhất danh.
Đương thế văn chương chân đại thủ,
Nhất môn phụ tử bội ân vinh.(1)
(Nghĩa là:
Vì đời mà trời sinh ra người phò tá giỏi,
Riêng ông chiếm danh thứ nhất ở Tao Đàn.
Thật là bậc văn chương cao tay của đương thời,
Cha con một nhà cùng đội ơn vinh hiển.)
(1) Nguyên chú: Thơ vua Lê Thánh Tông có câu: "Nhị thân phụ tử bội ân vinh" 二申父子佩恩榮 (Hai cha con họ Thân cùng đội ân vinh hiển).
Thân Nhân Trung có nhiều đóng góp to lớn cho nền văn hoá nước nhà. Ông luôn được giữ trọng trách độc quyển cho các kỳ thi Đình, phụng chỉ biên soạn bộ Thiên Nam dư hạ tập. Đây là bộ sách gồm hơn 100 quyển, được biên soạn trong thời gian hơn 10 năm, ghi chép đầy đủ các chế độ, luật lệ, văn hàn,... và ông được cử viết lời tựa.
Thân Nhân Trung được vua sai soạn bài văn đề danh tiến sỹ của Khoa thi năm Đại Bảo thứ 3 (1442) để khắc lên bia đá dựng tại Văn miếu Quốc tử giám. Trong bài văn, ông đã nêu lên một tư tưởng đúng cho mọi thời đại: "Hiền tài quốc gia chi nguyên khí, nguyên khí thịnh tắc quốc thế cường dĩ long, nguyên khí nỗi tắc quốc thế nhược dĩ ô. Thị dĩ thánh đế minh vương mạc bất dĩ dục tài thủ sĩ, bồi thực nguyên khí vi tiên vụ dã." 賢材國家之元氣,元氣盛則國勢強以隆,元氣餒則國勢弱以污。是以聖帝明王莫不以育材取士培植元氣為先務也 (Hiền tài là nguyên khí của đất nước, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh và vươn cao, nguyên khí suy thì thì thế nước yếu mà xuống thấp. Do đó, các bậc thánh đế, minh vương không ai không lấy việc đào tạo nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, bồi đắp nguyên khí làm việc quan trọng đầu tiên.)
Luận điểm của ông đã nêu bật mối quan hệ tất yếu giữa người hiền tài với vận mệnh quốc gia trong tiến trình phát triển của đất nước. Tư tưởng của ông đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị và đã trở thành bất hủ của nền giáo dục, văn hoá, tư tưởng sử Việt Nam.
Vua Lê Thánh Tông qua đời, vua Hiến Tông nối ngôi, ông vẫn được nhà vua trọng dụng, cho giữ nhiều trọng trách. Mọi giấy tờ, hiệu lệnh trong triều đều qua ông xét duyệt.
Nhà ông là một "thế gia vọng tộc", khoa danh nổi tiếng. Con cả Thân Nhân Tín đỗ tiến sỹ năm 1490, con thứ Thân Nhân Vũ đỗ tiến sỹ năm 1481. Cháu ông là Thân Cảnh Vân, con của Thân Nhân Tín, đỗ Thám hoa năm 25 tuổi, Khoa thi Đinh Mùi, niên hiệu Hồng Đức 18 (1487). Sự kiện bốn cha con, ông cháu đỗ đại khoa, làm quan đồng triều quả là hiếm có trong lịch sử. Thân Nhân Trung mất năm Kỷ Mùi (1499), thọ 81 tuổi. Ông là một nhà văn hoá lớn của dân tộc. Năm 1999, Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Trung tâm UNESCO thông tin tư liệu lịch sử và văn hoá Việt Nam phối hợp với Sở Văn hoá - Thông tin tỉnh Bắc Giang tổ chức lễ kỷ niệm 500 năm mất Thân Nhân Trung tại Bái Đường Văn Miếu để tôn vinh ông, bậc danh thần dưới thời Lê Thánh Tông, bậc danh nho phò tá có công lao tài đức. Dưới đây là một số ý kiến của các học giả, nhà khoa học tại buổi lễ trọng thể này.
"Ngày nay, kỷ niệm Thân Nhân Trung, nhân dân ta đưa ông trở lại vị trí quang vinh của ông trong lịch sử văn hiến của dân tộc. Cuộc đời ông, sự nghiệp của ông và đặc biệt là tư tưởng của ông về vinh dự và vai trò của người trí thức sẽ mãi mãi là bài học quý giá và là nguồn cổ vũ lớn cho chúng ta hôm nay" (Giáo sư Đặng Vũ Khiêu).
"Xuyên qua các bài văn thơ – dù là làm trong lúc vua tôi ngâm vịnh, có tính thù tạc, người đọc ngày nay bắt gặp một tấm lòng yêu nước thương dân sâu xa. Một ý thức trách nhiệm cao đối với dân, đối với nước, một đòi hỏi cao về đạo đức đối với mọi người, ngay cả đối với vua. Tất cả các tình cảm đó đã hoà quyện, kết hợp với nhau một cách nhuần nhuyễn để tạo nên một nhân cách cao quý, xứng đáng cho các thế hệ về sau không chỉ ngưỡng mộ, ngợi ca, mà phải chân thành học tập,..." (Giáo sư Đinh Xuân Lâm)
"Điều đáng chú ý, trong lịch sử văn hoá, giáo dục nước ta, trước đó chưa có ai đặt vấn đề như ông. Người ta không ai là không biết mối quan hệ giữa nhân tài và sự thịnh suy của một triều đại, một quốc gia. Nhưng còn coi người "hiền tài là nguyên khí của quốc gia" thì phải ghi nhận bắt đầu từ Thân Nhân Trung... Câu nói này của danh nho Thân Nhân Trung có giá trị như một sự tiên liệu. Đúng hơn 500 năm sau khi ông đi vào cõi vĩnh hằng, chúng ta có dịp đọc kỹ lại hai bài văn bia do Thân Nhân Trung soạn thảo, vừa xúc động trước những lời nhắn nhủ chân tình, vừa cảm phục trước những tư tưởng sáng suốt về văn hoá, giáo dục của ông" (PGS. TS. Nguyễn Minh Tường).
Qua khảo cứu, những tác phẩm của ông còn lại gồm có:
- Đại Bảo tam niên, Tiến sỹ đề danh ký (tấm bia thứ nhất ở Văn Miếu).
- Hồng Đức thập bát niên, tiến sĩ đề danh ký.
- Thánh Tông chiêu lăng bi minh tịnh tự.
- Thượng Hồng Đường An liệt nữ bi.
- Thiên Nam dư hạ tập (đồng soạn giả).
- Quỳnh Uyển cửu ca (đồng tác giả).
- Văn minh cổ suý (đồng tác giả).
- Châu cơ thắng thưởng (đồng soạn giả),...
T ham khảo:
1. Hiền tài là nguyên khí quốc gia, Kỷ niệm lần thứ 500 năm mất Thân Nhân Trung, Trung tâm Unesco thông tin tư liệu lịch sử - văn hoá Việt Nam và Bảo tàng tỉnh Bắc Giang xuất bản, 2000.
2. Nguyễn Q. Thắng - Nguyễn Bá Thế, Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, NXB. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2006.
3. Phạm Văn Thắm (Chủ biên), Các tác gia Hán Nôm Thăng Long – Hà Nội, Viện nghiên cứu Hán Nôm, NXB KHXH, Hà Nội, 2009.
4. Bùi Duy Tân (chủ biên), Tổng tập Văn học Việt Nam, tập 6, NXB Khoa học xã hội, 1997.
b. Tác phẩm:
賢材國家之元氣﹔元氣盛﹐則國勢強﹐以隆﹔元氣餒﹐則國勢弱﹐以污。是以﹐聖帝明王莫不以育材取士﹐培植元氣為先務也。
SV tự phiên âm dịch nghĩa.
Phiên âm:
Dịch nghĩa:
4. Khuê tình閨情 – Nguyễn Bỉnh Khiêm阮秉謙
a. Tiểu sử tác giả
Nguyễn Bỉnh Khiêm 阮秉謙 (1491-1585) huý là Văn Đạt, tự là Hanh Phủ, hiệu là Bạch Vân cư sĩ, người làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, Hải Dương, nay thuộc xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Xuất thân từ một gia đình trí thức Nho học, cha là Nguyễn Văn Định có văn tài, học hạnh, mẹ là Nhữ Thị Thục, con Thượng Thư Nhữ Văn Lan, bà thông tuệ, giỏi văn chương, am tường lý số. Nguyễn Bỉnh Khiêm thông minh, hiếu học, từ nhỏ đã được mẹ đem thơ quốc âm và kinh truyện ra dạy. Lớn lên, vào Thanh Hoá, theo học Bảng nhãn Lương Đắc Bằng, được thầy truyền thụ môn học Dịch lý và Sách Thái ất thần kinh. Tuy học giỏi, nhưng lớn lên vào lúc xã hội loạn lạc, Nguyễn Bỉnh Khiêm ẩn chí, đợi thời, không chịu ra thi. Mãi sau này, Mạc thay Lê, tình hình xã hội ổn định, ông mới ra ứng thi, đậu Trạng nguyên (1535), rồi làm quan với nhà Mạc, bấy giờ ông đã 45 tuổi. Làm quan ở triều đình được 8 năm (1535-1542), thấy gian thần hoành hành, bè phái, triều chính ngày một xấu thêm, ông dâng sớ xin chém 18 lộng thần, không được chấp nhận, bèn thác cớ xin trí sĩ. Về sau, vì sự ràng buộc của nhà Mạc với các sĩ phu có uy vọng, vì muốn tác động đến thời cuộc, ông trở lại tham gia triều chính với cương vị như một cố vấn. Ông từng theo quân Mạc, đi chinh phạt Vũ Văn Mật, Vũ Văn Uyên. Ông cũng từng bày mưu tính kế giúp Mạc bảo toàn vương nghiệp. Vì thế, hoạn lộ của ông từ Lại bộ Tả thị lang, Đông các đại học sĩ, trải thăng đến Lại bộ Thượng thư, Thái phó, Trình Tuyền hầu, rồi lại gia phong Trình Quốc công nên đời thường gọi là Trạng Trình. Mãi đến ngoài 70 tuổi, ông mới thực sự treo xe, treo mũ từ quan.
Thời gian sống ở quê nhà, bên bờ sông Tuyết Hàn, Nguyễn Bỉnh Khiêm dựng am Bạch Vân, lấy đạo hiệu là Bạch Vân cư sĩ mở trường dạy học, rồi lập quán, xây cầu, dựng chùa, mở chợ, trồng cây... Ông có nhiều học trò nổi tiếng, như Nguyễn Quyện, Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Dữ, v.v... người thờ Mạc, người theo Lê, người suốt đời ẩn dật. Ông được người đương thời tôn kính như bậc thầy. Ngoài triều Mạc, họ Trịnh, họ Nguyễn đều có sai sứ đến hỏi ý kiến ông về những việc hệ trọng. Tháng Mười một năm Ất dậu (1585) ông mất, hưởng thọ 94 tuổi, học trò truy tôn là Tuyết Giang Phu tử.
Tác phẩm của Nguyễn Bỉnh Khiêm có Bạch Vân quốc ngữ thi tập, Bạch Vân am thi tập và một số bài văn chữ Hán. Các tập sấm ký như Trình Quốc công sấm ký, Trình tiên sinh quốc ngữ, v.v... tương truyền là của ông nhưng về mặt văn bản chưa đủ độ tin cậy.
b. Tác phẩm:
閨情
吟落西風陣陣吹
深閨兒女獨眠時
忽文寒氣侵簾幕
始覺人情有別離
去夢不辭沙塞遠
幽懷活動鼓鼙絲
無端點滴皆前雨
似有幽人語夜遲。
Phiên âm: Khuê tình
Ngâm lạc Tây phong trận trận xuy,
Thâm khuê nhi nữ độc miên thì.
Hốt văn hàn khí xâm liêm mạc,
Thuỷ giác nhân tình hữu biệt ly.
Khứ mộng bất từ sa tái viễn,
U hoài hoạt động cổ bề ti.
Vô đoan điểm trích giai tiền vũ,
Tự hữu u nhân ngữ dạ trì.
Dịch nghĩa: Tình cảm phòng khuê
Tiếng ngâm buông xuống theo gió Tây thổi từng trận,
Ở chốn thâm khuê khi người thiếu phụ ngủ một mình.
Bỗng nghe hơi lạnh thấm vào rèm màn,
Mới biết tình người có nỗi biệt ly.
Mơ mộng ra đi, chẳng nề nơi quan ải sa trường diệu vợi,
U uất trong lòng dấy lên tiếng trống ở ngoài trận.
Bỗng đâu tí tách giọt mưa ở trước thềm,
Như có người mang niềm u uất thủ thỉ trong đêm dài.
III. Văn bản Hán văn tiêu biểu thời Nguyễn:
1. Độc Tiểu Thanh kí讀小青記 – Nguyễn Du阮攸
a. Tiểu sử tác giả:
Nguyễn Du 阮攸 (13-1-1766 - 16-9-1820), tự Tố Như 素如, hiệu Thanh Hiên 清軒, quê gốc làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, nhưng sinh và trải qua thời niên thiếu ở Thăng Long. Cha là Nguyễn Nghiễm đã làm tới chức tể tướng triều Lê. Mẹ là bà Trần Thị Tần, vợ thứ ba của Nguyễn Nghiễm, người xứ Kinh Bắc (Nguyễn Nghiễm có tám vợ, hai mươi mốt người con). Mười tuổi, Nguyễn Du mồ côi cha, mười ba tuổi mồ côi mẹ. Vì thế tiếng là con quan đại thần nhưng ngay từ thời thơ ấu Nguyễn Du đã phải sống vất vả thiếu thốn. Truyện Kiều và Văn chiêu hồn, hai kiệt tác chữ Nôm của Nguyễn Du, rộng xin được giới thiệu riêng vào dịp khác. Tập sách này chỉ chọn lựa một số bài thơ chữ Hán tiêu biểu của ông.
Thơ chữ Hán Nguyễn Du cho thấy phần sâu kín trong tâm trạng ông. Nó như một thứ nhật ký, giãi bày mọi nỗi niềm, mọi ý nghĩ trong cảnh sống thường nhật của chính ông. Cả ba cuốn Thanh Hiên thi tập (viết trong khoảng 1785-1802, khi Nguyễn Du lánh ẩn ở quê vợ, Thái Bình, rồi trở về Hồng Lĩnh và ra lại Bắc Hà làm quan triều Gia Long), Nam trung tạp ngâm (1805-1812, khi Nguyễn Du làm quan ở Huế rồi cai bạ Quảng Bình) và Bắc hành tạp lục (1813-1814, thơ viết trên đường đi sứ Trung Hoa) đều có một giọng u trầm thấm thía, đầy cảm xúc nội tâm. Thơ chữ Hán Nguyễn Du như một tiếng thở dài luận bàn nhân tâm thế sự và xót thương thân phận. Một hình ảnh trở đi trở lại là mái tóc bạc, Nguyễn Du có mái tóc bạc sớm, mái tóc như biểu tượng của lo nghĩ, của những nghiền ngẫm buồn thương và bế tắc " Tráng sĩ bạch đầu bi hướng thiên, Hùng tâm sinh kế lưỡng mang nhiên", (Tráng sĩ ngẩng mái đầu tóc bạc, bi thương than với trời xanh: chí lớn một đời và miếng ăn hàng ngày cả hai đều mờ mịt). Với một tài năng, lại từng là con quan tể tướng, lời than ấy thật xót xa. Tây Sơn ra Bắc 1786, Nguyễn Du ôm mối ngu trung với nhà Lê, không cộng tác, tìm đường lánh ẩn chịu sống nghèo khổ. Những thiếu thốn vật chất đôi lúc lộ ra trong thơ: Quê nhà đại hạn, mười đứa con sắc mặt xanh như rau (" Thập khẩu hài nhi thái sắc đồng"). Hoặc: Trong bếp suốt ngày không có khói lửa. Trước đèn phải mượn chén rượu cho gương mặt được hồng hào. Do vậy, ông thấy " Nhất sinh từ phú như vô ích, Mãn giá cầm thư đồ tự ngu" (Một đời chữ nghĩa thành vô ích. Sách đàn đầy giá chỉ làm ta ngu dốt). Lời nhận xét thật chua chát, bế tắc. Mái tóc bạc như một chứng tích tiều tụy cho cái nghịch lý ấy: Phơ phơ tóc bạc sống gửi ở nhà người, rồi: Già đến, tóc bạc đáng thương cho ngươi. Nói là già đến, nhưng lúc viết Thanh Hiên thi tập Nguyễn Du chỉ ở tuổi 20 đến 37. " Trù trướng lưu quang thôi bạch phát" (Ngậm ngùi vì ngày tháng giục tóc bạc). Mái tóc bạc thành bạn tri âm cho Nguyễn Du than thở: Tóc sương là bạn đi cùng. Mái tóc bạc bay trước gió thu. Mái tóc bạc nhuốm bụi hồng là chân dung tâm hồn của Nguyễn Du. Cả đời chưa thấy lúc nào ông đắc ý. Một sự chọn hướng trái chiều với bước đi của lịch sử làm Nguyễn Du ngùi ngẫm giằng xé cả một đời, ngay cả thời gian ra làm quan với Gia Long: Ơn vua chưa trả đỉnh đinh, Mưa xuân nhuần thấm nhưng mình lạnh xương. Tạ ơn mưa móc của vua nhưng lại thấy buốt lạnh trong xương cốt. Nỗi niềm ấy chúng ta hiểu cho Nguyễn Du. Nguyễn Du ôm một nỗi niềm éo le. Giáo lý Khổng Mạnh dạy: tôi trung không thờ hai vua. Nhưng với Nguyễn Du, vua phải thờ thì hèn kém, thậm chí rước voi về giày mồ (Lê Chiêu Thống), còn vua phải chống thì lại anh hùng, bảo vệ độc lập dân tộc (Quang Trung). Đau đớn, bế tắc của Nguyễn Du là ở đấy. Biết mà không vượt qua được, ông mong được hậu thế cảm thông: " Bất tri tam bách dư niên hậu, Thiên hạ hà nhân khốc Tố Như" (Ba trăm năm nữa nào biết được thiên hạ ai người khóc Tố Như). Tương truyền: " Khi ốm nặng, ông không uống thuốc, bảo người nhà sờ tay chân. Họ nói: đã lạnh rồi. Ông bảo: Được! Rồi mất. Không trối lại một lời". Có một nỗi niềm đến phút cuối Nguyễn Du vẫn phải nén lại và mang đi. Buồn thương, cô đơn đã thành thuộc tính của đời ông như màu xanh là thuộc tính của cỏ Nhân tự bi thê, thảo tự thanh (Người tự buồn thương, cỏ tự xanh).
Hiện thực cuộc sống bi thương trong xã hội phong kiến cả ở nước ta lẫn ở Trung Hoa thuở ấy, từ cảnh ngộ dâu bể của cô Cầm đánh đàn ở Thăng Long đến nỗi cơ cực của ông già hát rong ở đất Thái Bình (Trung Quốc) đã cho Nguyễn Du thấy thân phận bèo bọt và những bất công mà kiếp người phải chịu. Từ chính cảnh ngộ của mình ông thông cảm sâu sắc, tạo nên tình cảm thấm thía cho những bài thơ thương đời. Thương đời và thương mình đều da diết như nhau. Nguyễn Du hay nói tới thân phận tha hương, lưu lạc. Nỗi nhớ quê nhà luôn luôn bàng bạc trong các bài thơ. Ông thấy tài năng văn chương như con chim phượng nhốt trong lồng nát và công danh thì cùng đường như con rắn đã chui trong hang ("Bình sinh văn thái tàn lung phượng, Phù thế công danh tẩu hác xà"). Ông viết bài thơ chống lại bài Chiêu hồn Khuất Nguyên của Tống Ngọc, ông xui Khuất Nguyên đừng về vì thành quách vẫn còn nguyên mà người đã đổi khác, bụi bặm cuồn cuộn làm nhơ nhớp cả quần áo. Ông khái quát: Đời bây giờ người người đều đều là Thượng Quan (Thượng Quan là kẻ gièm pha làm hại Khuất Nguyên) và mặt đất thì chỗ nào cũng là sông Mịch La (con sông Khuất Nguyên trẫm mình). Ở các bài vịnh nhân vật và luận về các sự kiện lịch sử Trung Hoa trong Bắc hành tạp lục, Nguyễn Du đã xuất phát từ quyền sống, quyền được hưởng hạnh phúc của con người để cân đo lại trọng lượng các vĩ nhân và các chiến công ầm ỹ một thời.
Đọc thơ chữ Hán Nguyễn Du chúng ta hiểu cội nguồn chủ nghĩa nhân đạo của ông thể hiện trong Truyện Kiều và những ký thác đời ông vào hình tượng Kiều, nhân vật sắc tài mà bạc mệnh.
b. Tác phẩm:
讀小青記
西湖花苑盡成墟,
獨吊窗前一紙書。
脂粉有神憐死後,
文章無命累焚餘。
古今恨事天難問,
風韻奇冤我自居。
不知三百餘年後,
天下何人泣素如。
Phiên âm: Độc Tiểu Thanh ký
Tây hồ hoa uyển tẫn thành khư,
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư.
Chi phấn hữu thần liên tử hậu,
Văn chương vô mệnh luỵ phần dư.
Cổ kim hận sự thiên nan vấn,
Phong vận kỳ oan ngã tự cư.
Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như ?
Dịch nghĩa: Đọc sách Tiểu Thanh kí
Vườn hoa cạnh Tây Hồ đã thành bãi hoang,
Ta chỉ viếng nàng qua bài ký đọc trước cửa sổ mà thôi.
Son phấn có linh hồn chắc phải xót vì chuyện này xảy ra say khi chết,
Văn chương không có mệnh mà cũng bị liên lụy, đốt đi, còn sót lại một vài bài.
Mối hận cổ kim, thật khó mà hỏi ông trời.
Ta tự coi như người cùng một hội, một thuyền với nàng là kẻ vì nết phong nhã mà mắc phải nỗi oan lạ lùng.
Chẳng biết ba trăm năm sau,
Thiên hạ ai người khóc Tố Như?
2. Long Thành cầm giả ca龍城琴者歌 – Nguyễn Du阮攸
龍城琴者歌
龍城佳人
不記名字
獨善絃琴
舉城之人以琴名
學得先朝宮中供奉曲
自是天上人間第一聲
余在少年曾一見
監湖湖邊夜開宴
此時三七正芳年
春風掩映桃花面
酡顏憨態最宜人
歷亂五聲隨手變
緩如涼風度松林
清如隻鶴鳴在陰
烈如荐福碑頭碎霹靋
哀如莊舄病中為越吟
聽者靡靡不知倦
盡是中和大內音
西山諸臣滿座盡傾倒
徹夜追歡不知曉
左拋右擲爭纏頭
泥土金錢殊草草
豪華意氣凌公侯
五陵年少不足道
并將三十六宮春
換取長安無賈寶
此夕回頭二十年
西山敗後余南遷
咫尺龍城不復見
何況城中歌舞莚
宣撫使君為余重買笑
席中歌妓皆年少
席末一人髮半華
顏醜神枯形略小
狼藉殘眉不飾粧
誰知便是當年城中第一調
舊曲新聲暗淚垂
耳中靜聽心中悲
猛然億起二十年前事
監湖湖邊曾見之
城郭推移人事改
幾度桑田變蒼海
西山基業一旦盡消亡
歌舞空留一人在
瞬息百年曾幾時
傷心往事淚沾衣
南河歸來頭盡白
怪底佳人顏色衰
雙眼瞪瞪 空想像
可憐對面不相知.
Phiên âm: Long thành cầm giả ca
Long thành giai nhân
Bất ký danh tự
Ðộc thiện huyền cầm
Cử thành chi nhân dĩ Cầm danh
Học đắc tiên triều cung trung Cung Phụng khúc
Tự thị thiên thượng nhân gian đệ nhất thanh
Dư tại thiếu niên tằng nhất kiến
Giám Hồ hồ biên dạ khai yến
Thử thời tam thất chánh phương niên
Xuân phong yểm ánh đào hoa diện
Ðà nhan hám thái tối nghi nhân
Lịch loạn ngũ thanh tùy thủ biến
Hoãn như luơng phong độ tùng lâm
Thanh như chích hạc minh tại âm
Liệt như Tiến Phúc bi đầu toái phích lịch
Ai như Trang Tích bịnh trung vi Việt ngâm
Thính giả mỹ mỹ bất tri quyện
Tận thị Trung Hòa Ðại Nội âm
Tây Sơn chư thần mãn tọa tận khuynh đảo
Triệt dạ truy hoan bất tri hiểu
Tả phao hữu trịch tranh triền đầu
Nê thổ kim tiền thù thảo thảo
Hào hoa ý khí lăng công hầu
Ngũ Lăng niên thiếu bất túc đạo
Tính tương tam thập lục cung xuân
Hoán thủ Trường An vô giá bảo
Thử tịch hồi đầu nhị thập niên
Tây Sơn bại hậu dư Nam thiên
Chỉ xích Long Thành bất phục kiên (kiến)
Hà huống thành trung ca vũ diên
Tuyên phủ sứ quân vị dư trùng mãi tiếu
Tịch trung ca kỹ giai niên thiếu
Tịch mạt nhất nhân phát bán hoa
Nhan xú thần khô hình lược tiểu
Lang tạ tàn my bất sức trang
Thùy tri tiện thị đương niên thành trung đệ nhất điệu
Cựu khúc tân thanh ám lệ thùy
Nhĩ trung tĩnh thính tâm trung bi
Mãnh nhiên ức khởi nhị thập niên tiền sự
Giám Hồ hồ biên tằng kiến chi
Thành quách suy di nhân sự cải
Kỷ độ tang điền biến thương hải
Tây Sơn cơ nghiệp nhất đán tận tiêu vong
Ca vũ không lưu nhất nhân tại
Thuấn tức bách niên tằng kỷ thì
Thương tâm vãng sự lệ triêm y
Nam Hà quy lai đầu tận bạch
Quái để giai nhân nhan sắc suy
Song nhãn trừng trừng không tưởng tượng
Khả liên đối diện bất tương tri.
Chia sẻ với bạn bè của bạn: |