VỚI KẺ DƯỚI PHẢI KHOAN THỨ, KHÔNG NÊN KHẮC NGHIỆT,
SOI MÓI
Giảng rộng
Chẳng thấy như lúc bỏ tiền mua nô tì, mẹ con phải ly biệt đau khổ đến mức nào sao? Mẹ hiền ruột gan như xé nát, vạn bất đắc dĩ mới phải bước ra về, trước lúc ấy còn dặn dò lại con rằng: “Cha mẹ nghèo làm khổ con rồi! Thôi hãy gắng sức, khéo phụng sự chủ nhân. Chủ có gọi phải to tiếng dạ, chủ có dạy phải lắng tai nghe. Cùng là tôi tớ với nhau chớ tranh giành ganh ghét. Hình hài của con đó là máu thịt mẹ cha, trước đây thương quý nâng niu như châu ngọc, đâu ngờ phải gấp rút đến lúc chia lìa như hôm nay. Mẹ nếu có được tiền, nhất định sẽ đến chuộc con về. Từ nay con phải tự lo cho thân mình, đừng để đến nỗi phải chịu đòn roi đánh phạt.”
Dặn dò cẩn thận như vậy rồi, lời chưa dứt thì mẹ con đã không kiềm được mà cùng ôm nhau khóc lớn. Cảnh ấy thật đau đớn thay! Nếu biết nghĩ đến cảnh ấy thì xót thương còn không hết, làm sao có thể nỡ lòng khắt khe, soi mói tìm lỗi để trách phạt?
Trong Kinh dạy rằng: “Người đời đối với kẻ tôi tớ giúp việc, phải giữ trọn theo năm điều. Một là, trước phải xét hỏi xem có đói khát, rét lạnh hay không, sau đó mới sai khiến công việc. Hai là, nếu tôi tớ có bệnh phải lo việc cứu chữa, điều trị. Ba là, không được lạm dụng đòn roi, trước hết phải hỏi rõ ngọn nguồn sự việc rồi mới nghĩ đến việc trách phạt. Nếu là việc có thể tha thứ thì nên tha thứ; nếu buộc lòng phải trách phạt, thì nên vì sự dạy dỗ mà trách phạt. Bốn là, tôi tớ có chút đỉnh tiền riêng, không được cậy quyền chiếm đoạt. Năm là, cấp phát đồ dùng phải thực sự công bằng, không được thiên vị kẻ nhiều người ít, kẻ tốt người
xấu.”
Trong thế gian, những kẻ làm thân tôi tớ ắt phải là hết sức tối tăm, khổ sở. Bởi tối tăm nên ắt phải mau quên khó nhớ, rối loạn mọi việc. Bởi khổ sở nên dung mạo khó coi, thường nói lời vô nghĩa, nói ra đường đột xúc phạm người trên nhưng vẫn thường tự cho mình là đúng, gượng ép cãi cọ không thôi. Chính vì vậy mà thường tự chuốc lấy đòn roi trách phạt. Nhưng đối với những người tôi tớ như vậy mà khắt khe soi mói để trách phạt họ, thì người chủ ấy rõ ràng là không sáng suốt, lại thêm bụng dạ hẹp hòi. Nguyện sao cho những người làm chủ đều là người nhân hậu, rộng lòng khoan thứ, nên nghĩ đến những kẻ tôi tớ như con cái của chính mình. Đang lúc phải dùng đòn roi, cũng nên dạy dỗ rầy la; đang lúc dạy dỗ rầy la, cũng nên khuyên bảo khích lệ. Được như vậy ắt là tự mình cũng không hao tổn tinh thần, mà kẻ tôi tớ cũng không phải chịu đớn đau thể xác. Không chỉ là trong hiện tại được danh thơm tiếng tốt, mà còn có thể tạo thành nền nếp tốt đẹp cho gia đình trong tương lai.
Trưng dẫn sự tích
SAU KHI CHẾT KHÔNG CÓ NÔ TỲ1
Thời Nam Bắc triều, ở Bắc Tề có viên quan họ Lương, nhà hết sức giàu có. Lúc sắp chết bảo vợ con rằng: “Ta bình sinh yêu thích một nô tỳ với con ngựa hay, các người phải vì ta mà chôn theo khi tống táng.”
Sau khi họ Lương chết, người nhà liền dùng bao chứa đầy đất đè lên người đứa nô tỳ, ngạt thở mà chết. Riêng con ngựa còn đợi đó, chưa giết. Nô tỳ chết được bốn ngày thì bỗng nhiên sống lại, kể rằng:
1 Trích từ sách Pháp uyển châu lâm - 法苑珠林. (Chú giải của soạn giả) Xem Pháp uyển châu lâm - Đại
Chánh tân tu Đại tạng kinh, tập 53, kinh số 2122, quyển 36, bắt đầu từ dòng 19 trang 577, tờ c. Đoạn kể lại ở đây có lược bỏ một vài chi tiết nhỏ.
“Tôi chết rồi, hồn đi đến phủ Diêm vương, ở bên ngoài cửa ngủ lại một đêm. Sáng hôm sau, nhìn thấy ông chủ bị xiềng xích gông cùm, có người áp giải vào. Ông chủ bảo tôi rằng: ‘Ta cứ tưởng sau khi chết cũng cần dùng đến nô tỳ, nên mới dặn người nhà cho ngươi xuống, đâu có ngờ đến hôm nay thì mỗi người đều tự chịu khổ não, chẳng liên quan gì đến nhau. Ta sẽ thỉnh cầu phán quan thả ngươi về. ’
“Ông chủ nói rồi phải vào trong điện. Tôi đứng bên ngoài liền ghé mắt nhìn trộm vào, thấy có vị quan tra hỏi quân lính rằng: ‘Hôm qua ép ra được nhiều ít mỡ?’ Quân lính thưa: ‘Được 8 đấu.’ Quan dạy rằng: ‘Tên họ Lương đó cần phải ép nữa, hãy ép cho ra đủ một thạch1 sáu đấu mỡ.’ Ông chủ lập tức bị dẫn đi, không kịp mở miệng nói điều gì.
“Hôm sau lại thấy ông chủ bị dẫn đến, nhưng vẻ mặt có phần hoan hỷ. Quan tra hỏi: ‘Có ép được mỡ không?’ Quân lính đáp: ‘Dạ không.’ Quan hỏi nguyên do, quân lính thưa: ‘Người nhà ông ấy thỉnh chư tăng tụng kinh lễ Phật, mỗi khi nghe tiếng kinh kệ thì đà sắt tự gãy lìa, nên không ép ra được mỡ.’ Ông chủ nhân lúc đó liền lên tiếng xin tha cho tôi về, lại nhờ nhắn lời về với người nhà rằng: ‘Nhờ các người làm điều phước thiện nên ta được thoát nỗi khổ lớn, nhưng giờ thật chưa thoát hết tội, mong các người tiếp tục vì ta tụng kinh, tạo tác tượng Phật, ta nhờ đó có thể được giải thoát. Từ nay về sau tuyệt đối không được sát sinh để cúng tế, chẳng những ta không hề được hưởng những thứ ấy, mà ngược lại còn phải chịu tăng thêm tội khổ.’”
Lời bàn
Sau khi chết rồi không thể sử dụng nô tỳ, cũng giống như sau khi nghỉ việc quan thì không thể sai khiến những kẻ giúp việc trong nha môn. Còn như việc tụng kinh có thể tạo phước,
1 Pháp uyển châu lâm chép là “một hộc sáu đấu” (一斛六斗), tuy cách gọi khác nhưng vẫn tương đồng,
mỗi hộc hay mỗi thạch ở đây đều được hiểu là 10 đấu.
làm việc sát sinh ắt gây họa cho người chết, lẽ ấy cũng là đương nhiên.
NÔ TỲ BÌNH ĐẲNG VỚI NGƯỜI CAO QUÝ1
Tại Hồng Châu2 có quan tư mã là Vương Giản Dị bị chứng đau bụng, trong bụng thấy có một khối cứng, tùy theo hơi thở mà di chuyển lên xuống. Ông ấy đau quá đã chết đi, sau sống lại nói với vợ rằng: “Ta bị triệu đến chốn âm ty, vì có đứa nô tỳ kiện ta. Nó nói rằng vì bị ta kiềm chế mất tự do thái quá đến nỗi phải tự vẫn. Nay cái khối cứng trong bụng ta chính là nó đó. Âm ty tra xét sổ bộ thấy ta còn được sống trên dương gian 5 năm nữa, vì thế thả cho ta về.”
Người vợ hỏi: “Đứa nô tỳ sao lại dám làm như vậy?” Giản Dị đáp: “Thế gian phân chia kẻ sang quý, người hạ tiện, chốn âm ty đều xem bình đẳng như nhau thôi.”
Năm năm sau, quả nhiên Vương Giản Dị bị tái phát chứng đau bụng mà chết.
Lời bàn
Kẻ tôn quý với người thấp hèn, đều do sự phân biệt đối xử mà thành; cha con chồng vợ, bất quá cũng chỉ tạm thời giả hợp thành danh xưng, xét từ đầu vốn không phải những vị trí, danh xưng rốt ráo. Như nhà ở kề cận ta về phương đông, quay nhìn sang nhà ta ắt gọi là phương tây; như từ chỗ nhà của người ở về phương đông của ta mà nói, thì căn nhà kề cận về phương tây của họ, đối với ta lại là phương đông. Cha ta gọi ta là con, ấy là nhìn từ phía của người làm cha. Nếu như nhìn từ phía con ta, ắt lại phải gọi ta là cha. Đường xuống suối vàng vốn đã không còn nghe đến chuyện cháu con vui vầy, huống chi đến chốn Quỷ môn quan lại còn có nô tỳ phục dịch bên mình được sao?
Trích từ sách Cảm ứng thiên đồ thuyết - 感應篇圖說. (Chú giải của soạn giả)
Nay là Nam Xương thuộc tỉnh Giang Tây.
Chia sẻ với bạn bè của bạn: |