VỚI CHA MẸ ÔNG BÀ PHẢI HIẾU THẢO
Giảng rộng
Chỉ một chữ “hiếu thảo” đó, thật khó nói cho hết ý nghĩa! Kinh Thi có câu rằng: “Muốn báo đáp hết ân đức của cha mẹ, nhưng ân đức ấy thật mênh mông rộng lớn như trời cao không cùng tận.” Quả thật, con cái báo đáp công ơn cha mẹ, bất luận như thế nào, liệu có thể vượt quá trời cao được chăng? Sách vở từ xưa nay khuyên dạy, khuyến khích sự hiếu thảo thì hiện có rất nhiều, nay chỉ đơn cử những trường hợp ít thấy, hiếm nghe nói đến mà thôi.
Người ta nếu không biết có đời sau, không tin nhân quả, thật cũng giống như người mù không thể nhìn thấy, người điếc không thể nghe được âm thanh. Người như vậy quả thật là hạng thứ dân cùng khổ mà không thể kêu cầu với ai được cả. Vì sao vậy? Tự mình không biết có đời sau, tất nhiên cũng không biết cha mẹ mình còn có đời sau, nên dù có hết lòng thương yêu báo đáp song thân, chẳng qua cũng chỉ là trong một thời gian tạm thời, ngắn ngủi mà thôi. Tự mình không tin nhân quả, đương
nhiên cũng không biết rằng cha mẹ sau này còn có nhân quả, nên dù có muốn vì cha mẹ mà dứt trừ khổ não, chẳng qua cũng chỉ làm được đôi điều nhỏ nhặt, giới hạn mà thôi.
Có lần tôi nhìn thấy gà mẹ che chở cho đàn con mà thường lấy đó làm bài học nhắc nhở, tự cảnh tỉnh mình. Khi gà mẹ giương cánh che chở bảo vệ đàn con, quả thật tình cảm mẹ con lúc ấy sâu đậm lắm. Thế mà trải qua một thời gian rồi thì lần lượt bị người giết hại, khiến cho mẹ con chẳng còn có dịp gặp lại nhau.
Chúng ta làm người thật ra cũng không khác mấy. Cha con, vợ chồng đang lúc cùng nhau sum họp, quả thật rất khó lòng chia cắt, lìa xa nhau. Nhưng một khi đến lúc sinh tử phân ly, thân mang bệnh khổ đớn đau, thì dù là người thân thiết nhất cũng không thể thay mình chịu đựng; cho đến bao nhiêu nghiệp ác đã tạo, cũng không ai có thể thay mình gánh chịu. Thậm chí đến lúc xả bỏ thân này đi vào cảnh giới trung ấm, đối mặt với ngàn vạn điều thống khổ, thì nơi chốn dương gian có thể là những người thân của ta trong gia đình lại đang cùng nhau mừng vui yến ẩm. Chăn mền còn đó, dẫu có muốn sớm chiều tận tâm chăm sóc cũng không còn được nữa; món ngon vật lạ không biết dâng ai, dù học theo Vương Tường “nằm băng bắt cá”1 nào có ích gì? Người xưa nói rằng: “Người con hiếu không thể chịu được việc cha mẹ chết mất.” Như thế chính là cha mẹ của ta thật ra chưa từng chết mất. Nói như thế lẽ đâu lại chỉ là chuyện hư dối sao?
Đức Phật dạy rằng: “Công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, người thế gian không thể báo đáp hết được. Ví như có người đặt cha lên vai trái, đặt mẹ lên vai phải, rồi đi như thế trong trăm năm, lại dâng lên cha mẹ đủ mọi nhu cầu, cũng không báo
1 Xưa có người con hiếu là Vương Tường. Mẹ ông thích ăn cá tươi, năm ấy trời lạnh quá nước đóng thành
băng không sao bắt được cá. Vương Tường muốn có cá dâng lên mẹ, nên ra sông cởi áo nằm lên băng, muốn lấy hơi nóng của thân thể mà làm cho băng tan để bắt cá. Lòng hiếu thảo của ông cảm động thấu trời, khiến băng giá tự nhiên tan ra, có một cặp cá từ dưới sông nhảy vọt lên cho ông bắt về dâng mẹ.
đáp hết được công ơn cha mẹ.”1 Như vậy, nếu chỉ theo những phương cách của thế tục thì dù có nỗ lực đến đâu cũng không thể báo đáp được hết công ơn cha mẹ! Do đây mà suy xét, có thể biết chắc rằng trong đạo Phật nhất định phải có phương cách hoàn hảo để giúp người báo đáp công ơn cha mẹ.
Trưng dẫn sự tích
NĂM NGƯỜI MẸ BI THƯƠNG2
Xưa có chú sa-di, năm 7 tuổi đã xin mẹ xuất gia học đạo. Chuyên cần tu tập, đến năm 8 tuổi chứng được đạo quả, thấy biết việc đời trước. Nhân khi nhìn thấy việc đời trước liền than rằng: “Chỉ một thân này của ta mà làm khổ lụy đến 5 người mẹ! Trong đời thứ nhất, khi ta ra đời thì bên nhà hàng xóm cũng có người sinh con. Ta lại chết sớm, mẹ ta nhìn thấy con của người hàng xóm trưởng thành mà đau buồn khổ sở. Qua đời thứ hai ta sinh ra chưa được bao lâu thì chết, mẹ ta mỗi khi nhìn thấy người khác cho con bú thì lại nhớ đến ta, đau buồn khôn xiết. Sang đời thứ ba, ta được 10 tuổi thì chết.3 Mẹ ta mỗi khi thấy những đứa trẻ cùng tuổi ăn uống thì lại nhớ đến ta, đau khổ vô cùng. Sang đời thứ tư, ta chưa đến tuổi lấy vợ thì đã chết. Mẹ ta mỗi khi nhìn thấy những người bằng tuổi ta cưới vợ thì lại nhớ ta mà sinh tâm đau buồn. Nay là đời thứ năm, ta vừa được 7 tuổi đã xin xuất gia học đạo, mẹ ta ở nhà nhớ mong, lại cũng sinh tâm đau buồn. Cả năm người mẹ đều giống nhau ở một
Vì đây là trích dẫn Phật ngôn nên chúng tôi đã thận trọng tìm được nội dung đoạn trích này trong Tạp bảo tạng kinh (雜寶藏經), ở quyển 2, bắt đầu từ dòng thứ 22, trang 455, tờ c (Đại Chánh tân tu Đại tạng kinh, tập 4, kinh số 203). Chúng tôi căn cứ kinh văn để dịch đoạn này hơi khác với nguyên bản của An Sỹ toàn thư. Đây là nội dung kinh văn: 假使左肩擔父右肩擔母,行至百年復種種供養,猶不能報父母之恩。(Giả sứ tả kiên đam phụ, hữu kiên đam mẫu, hành chí bá niên, phục chủng chủng cung dưỡng, do bất năng báo phụ mẫu chi ân.)
Trích từ kinh Ngũ mẫu tử - 五母子經. (Chú giải của soạn giả) Kinh này được xếp vào Đại Chánh tân tu Đại
tạng kinh, thuộc tập 14, kinh số 555, hiện có 2 dị bản là 555a và 555b, đều là bản dịch của cư sĩ Chi Khiêm vào đời Ngô. Nội dung chuyện này bắt đầu từ dòng 24 trang 907, tờ a trong bản 555a và từ dòng 29 trang 906, tờ b trong bản 555b. Đoạn này chỉ lược kể nội dung, không trích nguyên văn kinh.
Theo bản 555b thì không có chi tiết 10 tuổi, chỉ nói là chết sớm. Căn cứ theo đây có thể biết là tiên sinh
An Sỹ đã sử dụng bản kinh 555a.
điểm là đau buồn sầu khổ vì mong nhớ ‘con của tôi’,1 đều nói rằng mình bị “mất con” mà sinh tâm bi thương buồn khổ không thôi. Ta quán xét cõi luân hồi sinh tử thật mê lầm như thế, phải chuyên cần tinh tấn tu tập Chánh đạo để thoát ra.”
Lời bàn
Tinh lực khí huyết một đời của cha mẹ, quá nửa đều là vì con cái mà hao tổn. Nhưng nếu xét theo những nỗi khổ như chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm, cho đến bên ướt mẹ nằm chỗ ráo con lăn, thì sự khó nhọc chịu đựng của người mẹ lại có phần nhiều hơn. Tự xét lại hình hài này quả thật đáng trách, mang đến hệ lụy khó nhọc cho cha mẹ quá nhiều, mà báo đáp lo lắng cho cha mẹ lại quá ít.
Chúng ta từ vô số kiếp đến nay, nếu đong lường lượng sữa mẹ đã dùng ắt là nhiều hơn nước trong biển cả; cho đến đại tiểu tiện làm nhơ nhớp trên thân cha mẹ, thật cũng nhiều hơn nước trong biển cả; thậm chí những khi sinh ra rồi chết sớm khiến cho cha mẹ phải buồn đau than khóc, nước mắt ấy cũng lại nhiều hơn nước trong biển cả.
Hết thảy những việc ấy, thảy đều do nơi sinh tử luân hồi, khiến chúng ta luân chuyển đầu thai qua nhiều kiếp sống. Ví như đời này sang đời khác đều có thể hết lòng hiếu thảo, đều có thể khiến cho cha mẹ vui lòng, cũng chẳng bằng là không làm khổ lụy đến cha mẹ.2 Khổng tử nói rằng: “Phân xử việc tranh tụng của người đạt đến sự công minh, cũng không bằng khiến cho người không khởi việc tranh tụng.” Chẳng phải cũng là cùng một ý nghĩa như vậy đó sao?
Chỗ này trong An Sỹ toàn thư chép là “五母聚會” (ngũ mẫu tụ hội - năm người mẹ cùng hội lại) tương tự
như trong bản 555b là “今五母共會” (kim ngũ mẫu cộng hội - nay năm người mẹ cùng hội lại), đều không chính xác và cũng không hợp lý. Bản 555a chép là “愁毒言念我子是五母適共一會” (sầu độc ngôn niệm ngã tử, thị ngũ mẫu đích cộng nhất hội - sầu khổ nói rằng nhớ mong ‘con tôi’ chính là chỗ mà 5 bà mẹ đều giống nhau). Chỉ với ý nghĩa này thì đoạn tiếp theo mới hợp nghĩa. Như chi tiết ở đoạn trên thì tiên sinh An Sỹ đã sử dụng bản 555a, không biết vì sao ở đoạn này lại ghi sai theo bản 555b?
Ý nói cố gắng tu tập thoát khỏi luân hồi, không còn trở lại tái sinh, tất nhiên không làm khổ lụy đến cha
mẹ nào nữa.
Chia sẻ với bạn bè của bạn: |