Đến đây, có một câu hỏi cho mọi ngành nghề:
làm vì đam mê hay vì tiền? Đây không phải là một
câu hỏi riêng của nhân sự ngành CNTT, song ngành
CNTT có những đặc trưng khiến câu hỏi này “hóc
búa” hơn nhiều những ngành nghề khác. Bạn không
khó để trả lời rằng anh bạn chạy Grab làm vì tiền hay
vì đam mê – đa số người làm những công việc đó vì
họ không có lựa chọn khác. Nhưng CNTT nói
chung
và lập trình nói riêng là câu chuyện khác: không ai
lựa chọn làm LTV vì lập trình là lựa chọn duy nhất.
Lập trình là nghề vất vả, có sự đòi hỏi và đào thải
cao. Lập trình là nghề dễ gây “nghiện”. Lập trình là
nghề, hiện nay, đang được chi trả cao. Ba yếu tố trên
khiến câu hỏi làm vì đam mê hay vì tiền khó trả lời
hơn nhiều với LTV. Tôi được hỏi câu này hàng chục
lần khi tiếp xúc với các bạn sinh viên hoặc LTV mới
vào nghề:
theo anh, em nên làm vì đam mê hay vì
tiền? Có quá nhiều sách báo và những người nổi
tiếng khuyên các bạn theo đuổi đam mê; cũng có
quá nhiều người nổi tiếng khác nói điều ngược lại.
Nếu có một lời khuyên rõ ràng cho LTV, tôi đã
không đưa câu hỏi này vào phần Hiểu những thế
lưỡng nan. Tôi chỉ có thể đưa ra một vài gợi ý.
Thứ nhất, nếu bạn thực sự yêu thích nghề lập
trình, hãy yên tâm theo đuổi đam mê. Với nhu cầu
lớn từ thị trường hiện nay, LTV có đam mê (và từ
đó, dần hình thành kiến thức và kỹ năng tốt) luôn
có cơ hội được trả lương cao và rất cao. Đây là điều
thuận lợi mà gần như chỉ ngành CNTT có tại thời
điểm này. Là một LTV có đam mê với nghề, bạn nên
cảm thấy may mắn. Không một nghề nghiệp nào có
sự đảm bảo chắc chắn về tiền bạc sẽ đi kèm đam
mê nhưng CNTT thì có: LTV có đam mê được đảm
bảo sống tốt thậm chí là sung túc, chỉ cần họ thực
sự mê (là đắm chìm vào công việc bằng hành động)
chứ không chỉ là thích (và không hành động gì).
Thứ hai, nếu bạn vẫn đang loay hoay với câu hỏi trên,
hãy làm vì tiền. Tôi tin rằng những LTV có đủ đam mê
đang được trả công xứng đáng, và họ không màng
trả lời câu hỏi này. Tuy vậy, không có gì sai trái nếu
bạn chọn nghề lập trình vì tiền. Tư duy làm vì tiền
thậm chí cũng tốt vì giúp bạn chuyên nghiệp hơn:
bạn lo sợ bị đào thải và vì thế, cập nhật công nghệ
thường xuyên; bạn muốn được trả lương cao hơn
và vì thế, hoàn thành công việc với chất lượng tốt
hơn và nhanh hơn… Nỗi sợ hãi và mong muốn về
vật chất nhiều khi là động lực tốt để con người phát
triển. Phần lớn người Việt Nam, công dân của một
nước nghèo đang phát triển, đang làm việc chăm
chỉ vì sự ám ảnh nghèo đói từng đã trải qua. Điều đó
không có gì sai trái, thậm chí đáng tự hào.
Tôi từng tổ chức một buổi họp nhóm, để từng
thành viên chia sẻ thẳng thắn lý do họ gắn bó với
công ty và làm việc trong nhóm. Có những LTV nói
rằng, họ yêu thích công việc và sản phẩm này, họ
học được rất nhiều, họ chấp nhận mức lương thấp
hơn nhiều lời đề nghị từ những công ty khác. Có
những LTV thể hiện rõ quan điểm rằng họ cần tiền
để có khoản tích lũy cho mục đích xa hơn. Tôi đánh
giá rất cao những LTV thẳng thắn và rõ ràng. Sau
cùng, họ đều nhận được thành quả xứng đáng khi
có hành xử chuyên nghiệp để đồng bộ được mục
tiêu của cá nhân với mục tiêu của tổ chức.
Đáng ngại nhất là những LTV không rõ ràng
trong câu trả lời cho câu hỏi làm vì đam mê hay vì
tiền?. Họ không có đam mê và cũng không có nhu
cầu có thêm tiền vì đang được xã hội trả công ở mức
cao để có một cuộc sống “đủ tốt”. Họ ở đáy của kim
tự tháp mà tôi đã đề cập, và cũng không có nhu cầu
di chuyển dần lên đỉnh tháp. Không chỉ ảnh hưởng
tới bản thân, họ cũng đẩy tổ chức của mình vào thế
khó xử.
Chia sẻ với bạn bè của bạn: