GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
Imprimatur TP-HCM
ngày 26 tháng 7 năm 1997
Aloisio Phạm văn Nẫm
Giám Mục Phụ Tá
Giáo Phận Tp Hồ Chí Minh
GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
Nguyên tác : Catéchisme de l'Eglise Catholique
Bản dịch của
Nt Trần thị Quỳnh Dao (FMM)
Lm Hoàng văn Đạt (SJ)
Lm Nguyễn văn Hiền
Glv Nguyễn thị Hiếu
Nt Nguyễn thị Hoa (MTG-TT)
Lm Trần Xuân Lai
Nt Nguyễn thị Sang (CMD)
Lm Nguyễn Thái Sơn
Nt Nguyễn Ngọc Sương (SPC)
Glv Nguyễn Kim Thanh
Lm Nguyễn văn Trinh
Lm Phạm Đức Tuấn
Nt Lê Ánh Tuyết (FMM)
Nt Nguyễn thị Vỵ (CQP)
# Các dịch giả giữ bản quyền
Kính gởi
Đức Cha PHAOLÔ NGUYỄN VĂN BÌNH Tổng Giám Mục Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh
*****
Kính thưa Đức Cha,
Ban Giáo Lý chúng con hôm nay xin gởi đến Đức Cha bản dịch của Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo.
Vâng lệnh Đức Cha, chúng con đã bắt tay vào việc ngay từ cuối năm 1992.
Trước hết, chúng con nhờ 4 nhà dòng ở Thành Phố Hồ Chí Minh (Dòng Đức Bà [CMD],Hội dòng Phan-Sinh Thừa Sai Đức Mẹ[FMM], Dòng Thánh Phao-lô thành Chartres (SPC) và Dòng Chúa Quan Phòng [CQP]) dịch 4 phần Sách Giáo Lý. Kế đến, chúng con chia nhau từng đoạn, mỗi người đọc một bản dịch, đề nghị sửa đổi, để chuẩn bị cho những ngày làm việc chung. Cuối cùng, chúng con gặp nhau và duyệt lại từng câu, từng chữ.
Khi duyệt lại bản dịch, chúng con dựa trên 3 nguyên tắc:
1. Dựa trên bản tiếng Pháp, Anh, Ý và Đức, chúng con sửa lại những gì chưa đúng với nội dung.
2. Khi nắm vững ý của từng đoạn, chúng con xét đến cách hành văn tiếng Việt, cố gắng để bản văn dễ đọc, càng dễ hiểu càng tốt.
3. Chúng con cũng thống nhất các thuật ngữ dùng trong toàn bộ bản dịch .
Về các trích dẫn
1- Thánh Kinh : Chúng con theo bản dịch của nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ.
2- Phụng vụ : Chúng con theo bản dịch của Ủy ban Phụng Vụ cũ và Ủy ban Phụng Tự hiện nay.
3- Công đồng: Chúng con theo bản dịch của Giáo Hoàng Học Viện Thánh Pi-ô X Đà lạt.
Tuy nhiên, khi trích dẫn, đôi lúc chúng con thay đổi một chút cách hành văn để phù hợp với mạch văn.
Mặc dầu đã hết sức cố gắng, chúng con biết rằng bản dịch của chúng con vẫn còn nhiều thiếu sót. Chúng con mong nhận được ý kiến đóng góp của Đức Cha cũng như của quý Đức Cha, quý Cha và cộng đồng Dân Chúa để bản dịch được hoàn chỉnh hơn.
Kính xin Đức Cha chúc lành cho chúng con.
Thành phố Hồ Chí Minh ngày 19-7-1993
Thay mặt ban Giáo Lý
Lm. Augustino Nguyễn văn Trinh
LỜI GIỚI THIỆU của Giáo Quyền Giáo phận Thành phố Hồ Chí Minh
*****
Chúng tôi vui mừng giới thiệu với toàn thể cộng đồng Dân Chuá Giáo phận bản dịch sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo. Đức Cố Tổng Giám Mục Phao-lô Nguyễn văn Bình đã trao công việc này cho ban Giáo Lý Giáo Phận gồm một số linh mục, nữ tu và giaó dân tha thiết với công cuộc huấn giáo. Sau nhiều năm cố gắng, bản dịch đã được hoàn thành, và được điều chỉnh theo tài liệu “Corrigenda Concernant le Contenu du Texte (en Francais)” của Toà Thánh năm 1997; nay được chính quyền cho phép xuất bản, chúng tôi cám ơn nhóm phiên dịch đã đáp ứng nguyện vọng tha thiết của ngài.
Xin Chúa chúc lành cho những ai đã góp công góp sức hoàn thành bản dịch, cũng như những ai sẽ sử dụng bản dịch này để đào sâu Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo.
Tp HCM ngày 26 tháng 07 năm 1997
Aloisio Phạm văn Nẫm Giám Mục Phụ Tá
VIẾT TẮT
I. KINH THÁNH
Ac Ai-ca Kg Khác-gai
Am A-mốt Kh Khải huyền
Br Ba-rúc Kn Khôn ngoan
Cl Cô-lô-xê Lc Lu-ca
Cn Châm ngôn Lv Lê-vi
1Cr 1Cô-rin-tô Mc Mác-cô
2Cr 2Cô-rin-tô 1Mcb Ma-ca-bê quyển I
Cv Công vụ tông đồ 2Mcb Ma-ca-bê quyển II
Dc Diễm ca Mk Mi-kha
Dcr Da-ca-ri-a Ml Ma-la-khi
Ds Dân số Mt Mát-thêu
Dt Do-thái Nk Na-khum
Đn Đa-ni-en Nkm Nơ-khe-mi-a
Đnl Đệ- nhị-luật Ôv Ô-va-đi-a (Abđi-a)
Ed Ê-dê-ki-en Pl Phi-líp-phê
Ep Ê-phê-xô Plm Phi-le-môn
Er Ét-ra 1Pr 1Phê-rô
Et Ét-te 2Pr 2Phê-rô
G Gióp R Rút
Ga Gio-an Rm Rô-ma
1Ga 1Gio-an 1Sb Sử biên niên quyển I
2Ga 2Gio-an 2Sb Sử biên niên quyển II
3Ga 3Gio-an 1Sm Sách Sa-mu-en quyển I
Gc Gia-cô-bê 2Sm Sách Sa-mu-en quyển II
Gđ Giu-đa St Sáng thế
Gđt Giu-đi-tha Tb Tô-bi-a
Ge Giô-en Tl Thủ lãnh
Gl Ga-la 1Tm 1Ti-mô-thê
Gn Giô-na 2Tm 2Ti-mô-thê
Gr Giê-rê-mi-a Tt Ti-tô
Gs Giô-suê Tv Thánh vịnh
Gv Giảng viên 1Tx 1Thê-xa-lô-ni-ca
Hc Huấn ca 2Tx 2Thê-xa-lô-ni-ca
Hs Hô-sê 1V Sách các Vua quyển I
Is I-sai-a 2V Sách các Vua quyển II
Kb Kha-ba-cúc Xh Xuất hành
Xp Xô-phô-ni-a
II. CÁC TÀI LIỆU KHÁC
AA
Apostolicam actuositatem
Sắc lệnh về Tông đồ giáo dân của Công đồng Va-ti-ca-nô II
AG
Ad gentes
Sắc lệnh về Hoạt động Truyền Giáo của Công đồng Va-ti-ca-nô II
Ben
De Benedictionibus
Sách các phép
CA
Centesimus annus
Thông điệp Năm thứ 100 của Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II
Cat. R
Catechismus Romanus
Sách Giáo Lý Rô-ma của Công đồng Tren-tô
CCEO
Corpus Canonum Ecclesiarum Orientalium
Bộ Giáo Luật các Giáo Hội Đông Phương
CD
Christus Dominus
Sắc lệnh về Giám mục của Cđ Va-ti-ca-nô II
CDF
Congrégation pour la doctrine de la foi
Thánh bộ Giáo Lý Đức Tin
CID
Codex Iuris Canonici
Bộ Giáo Luật
CL
Christifideles laici
Tông huấn Kitô hữu giáo dân của Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II
COD
Conciliorum oecumenicorum decreta
Các sắc lệnh Công đồng chung
CT
Catechesi tradendae
Tông huấn giảng dạy Giáo Lý của Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II
DCG
Directorium Catecheticum Generale
Sách hướng dẫn chung về Giáo Lý
DeV
Dominum et Vivificantem
Thông điệp Người là Chúa và Đấng Ban sự sống của Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II.
DH
Dignitatis humanae
Tuyên ngôn về Tự do Tôn giáo của Công đồng Va-ti-ca-nô II
DM
Dives in misericordia
Thông điệp Thiên Chúa Giàu lòng Thương xót của Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II
DS
Denziger-Schonmetzer, Enchiridion Symbolorum, definitionum et declarationum de rebus fidei et morum
Tuyển tập các Tín Biểu, các Định Tín và tuyên bố về đức tin và luân lý.
DV
Dei Verbum
Hiến chế về Mặc Khải của Công đồng Va-ti-ca-nô II
EN
Evangelii nuntiandi
Tông huấn Loan Báo Tin Mừng của Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II
FC
Familiaris consortio
Tông huấn về gia đình của Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II
GE
Gravissimum educationis
Tuyên ngôn về Giáo dục kitô giáo của Công đồng Va-ti-ca-nô II
GS
Gaudium et spes
Hiến chế về Mục Vụ của Công đồng Va-ti-ca-nô II
HV
Humanae Vitae
Thông điệp Sự Sống Con Người của Đức Thánh Cha Phao-lô VI
IGLH
Introductio generalis LH
Dẫn nhập tổng quát về Các Giờ Kinh Phụng Vụ
IGMR
Institutio generalis MR
Chỉ dẫn Tổng quát về Sách lễ Rô-ma
IM
Inter Mirifica
Sắc lệnh về Truyền thông xã hội của Công đồng Va-ti-ca-nô II
LE
Laborem exercens
Thông điệp về Lao động của Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II
LG
Lumen gentium
Hiến chế về Hội Thánh của Công đồng Va-ti-ca-nô II
LH
Liturgie des heures
Các giờ kinh Phụng vụ
MC
Marialis cultus
Tông huấn tôn kính Đức Maria của Đức Thánh Cha Phao-lô VI
MD
Mulieris dignitatem
Tông thư về phẩm giá phụ nữ của Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II
MF
Misterium Fidei
Thông điệp mầu nhiệm Đức tin của Đức Thánh Cha Phao-lô VI
MM
Mater et Magistra
Thông điệp Mẹ và Thầy của Đức Thánh Cha Gio-an XXIII
MR
Missel Romain Sách lễ Rô-ma
NA
Nostra aetate
Tuyên ngôn về các tôn giáo ngoài KiTô giáo của công đồng Va-ti-ca-nô II
OBA
Ordo baptismi adultorum
Nghi thức Rửa tội người lớn
OBP
Ordo baptismi parvulorum
Nghi thức Rửa tội trẻ em
OCF
Ordo confirmationis
Nghi thức Thêm sức
OcM
Ordo celebrandi Matrimonium
Nghi thức Hôn phối
OCV
Ordo consecrationis virginum
Nghi thức Thánh hiến trinh nữ
OE
Orientalium ecclesiarum
Sắc lệnh về Giáo hội Đông phương của Công đồng Va-ti-ca-nô II
OEx
Ordo exequiarum
Nghi thức An táng
Off.lect.
Office des lectures
Giờ kinh sách
OICA
Ordo initiationis christianae adultorum
Nghi thức Gia nhập Hội thánh cho người lớn
OP
Ordo poenitentiae
Nghi thức Giải tội
OT
Optatam totius
Sắc lệnh về đào tạo Linh mục của Công đồng Va-ti-ca-nô II
PC
Perfectae caritatis
Sắc lệnh về Canh tân Thích nghi Đời tu của Công đồng Va-ti-ca-nô II
PO
Presbyterorum ordinis
Sắc lệnh về Đời sống Linh Mục của Công đồng Va-ti-ca-nô II
PP
Populorum Progressio
Thông điệp Phát triển Các dân tộc của Đức Thánh Cha Phao-lô VI
PT
Pacem in terris
Thông điệp Hòa bình trên trái đất của Đức Thánh Cha Gio-an XXIII
RH
Redemptor hominis
Thông điệp Đấng Cứu Chuộc con người của Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II
RM
Redemptoris Mater
Thông điệp Mẹ Đấng cứu chuộc
RP
Reconciliatio et poenitentia
Tông huấn hòa giải và sám hối của Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II
SC
Sacrosanctum concilium
Hiến chế về Phụng vụ của Công đồng Va-ti-ca-nô II
SFP
Credo du peuple de Dieu : profession de foi solennelle
Kinh Tin Kính của Dân Chúa: bản tuyên xưng đức tin trọng thể của Đức Thánh Cha Phao-lô VI
SRS
Sollicitudo rei socialis
Thông điệp Quan tâm đến Vấn đề Xã hội của Đức Thánh Cha Gio-an Phao-lô II
UR
Unitatis redintegratio Sắc lệnh về Hiệp nhất của Công đồng Va-ti-ca-nô II.
TÔNG HIẾN KHO TÀNG ĐỨC TIN
***
CÔNG BỐ
QUYỂN GIÁO LÝ
HỘI THÁNH CÔNG GIÁO
ĐƯỢC SOẠN THẢO
TIẾP SAU CÔNG ĐỒNG CHUNG VA-TI-CA-NÔ II
GIO-AN PHAO-LÔ, GIÁM MỤC, TÔI TỚ CÁC TÔI TỚ THIÊN CHÚA
ĐỂ GHI NHỚ MUÔN ĐỜI
Kính gởi các Hồng y, Tổng Giám Mục và Giám mục,
Linh mục và phó tế cùng mọi thành phần dân Chúa.
1. DẪN NHẬP
GÌN GIỮ KHO TÀNG ĐỨC TIN là sứ mạng Chúa đã trao phó cho Hội Thánh và Hội Thánh vẫn chu toàn trong mọi thời đại. Được vị tiền nhiệm đáng nhớ của tôi là Đức Gio-an XXIII khai mạc cách đây 30 năm, công đồng chung Va-ti-ca-nô II đã có ý định và ước muốn làm nổi bật sứ mạng tông đồ và mục vụ của Hội Thánh, cũng như, nhờ chân lý Tin Mừng chiếu tỏa, dẫn đưa mọi người tìm kiếm và đón nhận điều quý trọng hơn hết mọi sự là tình yêu của Đức Ki-tô (x . Ep 3,19).
Dựa vào đó, Đức Gio-an XXIII ấn định nhiệm vụ chính yếu của Công Đồng là gìn giữ và giải thích tốt hơn kho tàng quý báu nền đạo lý ki-tô giáo, để giúp các kitô hữu cũng như mọi người thiện chí dễ tiếp thu hơn. Vì vậy, Công Đồng không đặt nặng việc kết án các sai lạc của thời đại, nhưng ưu tiên cho việc nỗ lực bày tỏ một cách hồn nhiên sức mạnh và vẻ đẹp của đạo lý đức tin. Ngài nói : “Đối với Hội Thánh, ánh sáng của Công Đồng này sẽ... là một nguồn mạch phong phú thiêng liêng. Sau khi đã múc được ở đó những năng lực mới, Hội Thánh sẽ vững vàng nhìn vào tương lai ... Chúng ta vui vẻ và không sợ hãi khởi đầu công việc mà thời đại chúng ta đòi hỏi để tiếp tục con đường Hội Thánh đã đi từ gần 20 thế kỷ ...”
Nhờ Thiên Chúa giúp đỡ, qua 4 năm làm việc, các nghị phụ Công Đồng đã đúc kết được một tổng lược chỉ đạo thích hợp trình bày đạo lý và những chỉ đạo mục vụ cho toàn thể Hội Thánh. Mục tử và tín hữu tìm được ở đây những đường hướng cho cuộc đổi mới suy nghĩ, hành động, phong hóa, sức mạnh tinh thần, niềm vui và hy vọng : đó chính là mục đích của Công đồng (Phao-lô VI, Diễn từ kết thúc Công Đồng chung Va-ti-ca-nô II ngày 8/12/1965 : AAS 58(1966) trang 7-8).
Sau khi kết thúc, Công Đồng không ngừng gợi hứng cho đời sống Hội Thánh. Năm 1985, tôi đã có thể tuyên bố : “Tôi đã được đặc ân tham dự và cộng tác tích cực vào tiến trình của Công đồng Va-ti-ca-nô II. Từ trước đến nay, và một cách đặc biệt trong những năm của nhiệm kỳ Giáo hoàng, Công Đồng vẫn luôn luôn là điểm quy chiếu của mọi hoạt động mục vụ của tôi, trong nỗ lực có ý thức để những chỉ đạo của Công Đồng thành áp dụng cụ thể và trung thành, ở bình diện mỗi Giáo Hội cũng như trong toàn thể Hội Thánh. Phải luôn luôn trở về với nguồn mạch ấy” (Diễn từ ) ngày 30-5-1986 , số) 5:AAS 78(1986), trang 1273).
Trong tinh thần ấy, ngày 25.1.1985, tôi đã triệu tập một hội nghị bất thường của Thượng Hội Đồng Giám Mục, nhân dịp kỷ niệm 20 năm Công Đồng kết thúc. Mục đích của hội nghị là tạ ơn Thiên Chúa về các ân huệ và hoa trái thiêng liêng của Công Đồng Va-ti-ca-nô II, đào sâu nhằm gắn bó hơn với giáo huấn của Công Đồng, và giúp cho mọi người hiểu biết và áp dụng các giáo huấn ấy tích cực hơn.
Nhân dịp này, các nghị phụ của Thượng Hội Đồng đã bày tỏ ước nguyện “soạn thảo một quyển giáo lý hay yếu lược toàn bộ đạo lý công giáo cả về đức tin và luân lý, để làm bản văn tham khảo cho các sách giáo lý hay yếu lược trong các quốc gia. Việc trình bày đạo lý phải có tính cách Kinh Thánh và Phụng vụ, diễn đạt một đạo lý chắc chắn và đồng thời thích nghi với đời sống hiện nay của các Ki-tô hữu” (Báo cáo tổng kết của Thượng Hội Đồng bất thường ngày 7/12/1985, II,B,a số 4: Enchiridion Vaticanum, tập 9,trang 1758, số 1797). Ngay khi Thượng Hội Đồng kết thúc, tôi đã theo ý kiến ấy vì nó “đáp ứng hoàn toàn một nhu cầu thực sự của Hội Thánh toàn cầu cũng như của các Giáo Hội địa phương” (Diển văn bế mạc của Thượng Hội Đồng bất thường ngày 7/12/1985 số 6: AAS 78 (1986) trang.435).
Hôm nay chúng tôi hết lòng tạ ơn Thiên Chúa, vì chúng tôi có thể giới thiệu cho toàn thể Hội Thánh quyển Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo này. Đây là bản văn tham khảo để canh tân huấn giáo theo các nguồn mạch sống động của đức tin.
Sau việc canh tân phụng vụ và soạn thảo bộ Giáo Luật mới cho Giáo Hội La-tinh và các khoản luật cho các Giáo Hội Đông Phương Công Giáo, quyển giáo lý này sẽ góp phần rất quan trọng vào công cuộc đổi mới toàn bộ đời sống Hội Thánh, như Công Đồng Va-ti-ca-nô II mong muốn và đã khởi sự.
2. NHỮNG CHẶNG ĐƯỜNG VÀ TINH THẦN CHUẨN BỊ BẢN VĂN
Quyển Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo là kết quả của một sự cộng tác rộng rãi của 6 năm làm việc khẩn trương trong tinh thần chăm chú cởi mở và với một nhiệt tâm nồng cháy.
Năm 1986, tôi uỷ thác nhiệm vụ dự thảo một quyển giáo lý theo yêu cầu của các nghị phụ Thượng Hội Đồng cho một ủy ban gồm 12 Hồng Y và Giám Mục, do Hồng y Giuse Ratzinger làm chủ nhiệm. Tiểu ban biên tập gồm 7 Giám mục giáo phận, những chuyên viên thần học và huấn giáo, đã giúp ủy ban trong công việc này.
Với nhiệm vụ đề ra những chỉ đạo và giám sát tiến trình công việc, ủy ban đã chăm chú theo dõi tất cả các giai đoạn biên tập 9 bản văn nối tiếp nhau. Về phần mình, tiểu ban biên tập đảm nhận nhiệm vụ viết bản văn, sửa đổi theo yêu cầu của ủy ban và nghiên cứu những nhận xét của nhiều nhà thần học, nhà chú giải, huấn giáo, nhất là của các Giám mục trên toàn thế giới nhằm hoàn chỉnh bản văn. Nhờ tiểu ban đó, chúng ta đã có được những trao đổi hiệu quả và phong phú, bảo đảm cho bản văn được thống nhất và đồng bộ.
Bản dự thảo đã được gởi đến các Giám Mục Công Giáo, các Hội Đồng Giám Mục hay Thượng Hội Đồng, các viện Thần Học và Huấn Giáo để tham khảo ý kiến. Nói chung, bản dự thảo đã được hàng Giám Mục tiếp nhận rất thuận lợi. Người ta có quyền nói quyển giáo lý này là kết quả sự cộng tác của toàn thể hàng Giám Mục Hội Thánh Công Giáo. Các ngài đã quảng đại đáp lại lời tôi mời gọi, nhận phần trách nhiệm của mình trong sáng kiến chung ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống Hội Thánh. Việc các giám mục hưởng ứng làm cho tôi rất vui mừng, bấy nhiêu tiếng nói đã tạo nên bản “giao hưởng đức tin” nầy. Việc thực hiện quyển Giáo Lý cho thấy tính tập đoàn của hàng giám mục : đó là tính công giáo của Hội Thánh.
3. PHÂN CHIA ĐỀ MỤC
Sách giáo lý phải trình bày một cách trung thành và có hệ thống giáo huấn của Thánh Kinh, Truyền thống sống động trong Hội Thánh và Huấn Quyền đích thực, cũng như gia sản thiêng liêng của các Giáo Phụ, các thánh nam nữ của Hội Thánh, để có thể giúp người ta hiểu biết hơn về Mầu nhiệm Ki-tô giáo và làm sinh động đức tin của dân Thiên Chúa. Sách giáo lý phải lưu ý đến những minh định về đạo lý mà Chúa Thánh Thần đã khơi dậy trong Hội Thánh qua các thời đại. Sách giáo lý cũng phải giúp chúng ta dùng ánh sáng đức tin soi sáng những hoàn cảnh mới và những vấn đề chưa được đặt ra trong quá khứ .
Quyển Giáo Lý này cũng sẽ gồm cả những điều mới và điều cũ, vì đức tin vừa không thay đổi vừa là nguồn mạch của những ánh sáng mới (Mt 13,52).
Để đáp ứng hai đòi hỏi ấy, quyển Giáo lý Hội Thánh Công Giáo lấy lại thứ tự “cũ”, đã trở thành truyền thống mà cuốn Giáo lý của Thánh Pi-ô V đã theo, khi chia nội dung thành 4 phần : Kinh Tin Kính; Phụng Vụ, đặc biệt là các bí tích; Luân Lý Ki-tô giáo, được trình bày dựa trên các giới răn; cuối cùng là Kinh Nguyện của Ki-tô hữu. Mặt khác, nội dung phải được trình bày một cách “mới” để đáp ứng những câu hỏi của thời đại.
Bốn phần được nối kết với nhau : Mầu nhiệm ki-tô giáo là đối tượng của đức tin (phần I); mầu nhiệm ấy được mừng kính và thông truyền trong các lễ nghi phụng vụ (phần II); mầu nhiệm ấy hiện diện để soi sáng và nâng đỡ con cái Thiên Chúa trong đời sống luân lý (phần III); mầu nhiệm ấy đặt nền móng cho kinh nguyện được diễn tả đặc biệt qua kinh “Lạy Cha” và là nội dung cho lời cầu xin, ca ngợi và chuyển cầu của chúng ta (phần IV).
Chính Phụng Vụ cũng là kinh nguyện: Việc tuyên xưng đức tin có chỗ thích đáng trong việc cử hành phụng tự. Ân sủng, hoa trái của các bí tích, là điều kiện không gì thay thế được trong đời sống luân lý Ki-tô giáo, cũng như đức tin là điều kiện để tham dự phụng vụ của Hội Thánh. Nếu đức tin không được triển khai bằng việc làm, đó là đức tin chết (x. Gcb 2,14-26) và không thể đem lại hoa quả cho đời sống vĩnh cửu.
Đọc quyển Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, chúng ta thấy được sự thống nhất đáng phục của mầu nhiệm Thiên Chúa, của ý định cứu độ của Người, cũng như vị trí trung tâm của Đức Ki-tô, Con Một Thiên Chúa, được Chúa Cha cử đến làm người trong lòng Đức Trinh Nữ Ma-ri-a rất thánh, nhờ Chúa Thánh Thần, để làm Đấng Cứu độ chúng ta. Người đã chết và sống lại nhưng vẫn luôn hiện diện trong Hội Thánh, đặc biệt trong các bí tích. Người là nguồn mạch đức tin, mẫu mực cho đời sống luân lý Ki-tô giáo và Thầy dạy chúng ta cầu nguyện.
4. GIÁ TRỊ ĐẠO LÝ CỦA BẢN VĂN
Ngày 25.6.1992, tôi đã phê chuẩn và hôm nay tôi nhân danh quyền tông đồ ra lệnh phổ biến quyển Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo này. Đây là bản trình bày đức tin Hội Thánh và đạo lý Công Giáo, được Thánh Kinh cũng như truyền thống tông đồ và huấn quyền Hội Thánh xác nhận và soi sáng. Tôi coi đây là một phương tiện có gía trị và có thẩm quyền để giúp Hội Thánh được hiệp thông và là một khuôn mẫu chắc chắn cho việc giảng dạy đức tin. Ước mong quyển sách này giúp đẩy mạnh công cuộc canh tân mà Chúa Thánh Thần không ngừng kêu gọi Hội Thánh của Thiên Chúa, Thân Thể Đức Ki-tô, đang trên đường lữ hành về với ánh sáng rực rỡ của Nước Trời.
Khi phê chuẩn và phổ biến quyển Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, người kế nhiệm Thánh Phê-rô muốn phục vụ Hội Thánh, để cũng như tất cả các giáo hội địa phương đang hòa hợp và hiệp thông với tông tòa Rô-ma : đó là nâng đỡ và củng cố đức tin các môn đệ Chúa Giê-su (x.Lc 22, 32), cũng như tăng cường các mối dây hiệp nhất trong cùng một đức tin tông truyền.
Vì vậy, tôi xin các mục tử của Hội Thánh cũng như các tín hữu đón nhận quyển Giáo lý này trong tinh thần hiệp thông và năng sử dụng trong việc chu toàn sứ mạng loan báo đức tin và kêu gọi con người sống theo Tin Mừng. Quyển Giáo Lý này được trao cho họ để làm bản tham chiếu chắc chắn và trung thực cho việc giảng dạy đạo lý công giáo, và một cách rất đặc biệt cho việc soạn những sách giáo lý địa phương. Quyển sách này cũng được trao đến các tín hữu ước muốn hiểu biết hơn về những phong phú khôn lường của ơn cứu độ (x.Ga 8,32). Quyển sách này muốn nâng đỡ những nỗ lực đại kết, do ước muốn thánh thiện tác động, để hiệp nhất tất cả các kitô hữu, bằng cách cho thấy một cách chính xác nội dung và sự mạch lạc hài hoà của đức tin công giáo.
Cuối cùng quyển Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo được trao cho bất kỳ ai thắc mắc về niềm hy vọng nơi chúng ta (x. 1Pr 3,15) và muốn biết Hội Thánh Công Giáo tin gì. Quyển Giáo Lý này không có ý định thay thế các sách giáo lý địa phương được phê chuẩn do giáo quyền, các Giám mục giáo phận và các Hội Đồng Giám Mục, nhất là nếu được Tòa Thánh phê chuẩn. Quyển sách này có ý khích lệ và giúp đỡ việc soạn thảo những sách giáo lý mới ở từng địa phương theo những hoàn cảnh và văn hóa khác nhau, nhưng vẫn lưu tâm gìn giữ sự hiệp nhất trong đức tin và lòng trung thành với đạo lý công giáo.
5. KẾT
Để kết thúc văn kiện giới thiệu quyển Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, tôi cầu xin Đức Trinh Nữ Ma-ri-a Rất Thánh, Mẹ Ngôi Lời Nhập Thể và Mẹ Hội Thánh, dùng lời chuyển cầu đầy quyền năng của Mẹ, mà nâng đỡ công việc huấn giáo của toàn thể Hội Thánh trên mọi cấp độ, trong giai đoạn này, khi Hội Thánh được mời gọi có một nỗ lực mới cho việc Phúc Âm hóa nhân loại. Xin cho ánh sáng đức tin chân thật giải thoát nhân loại khỏi cảnh u tối và nô lệ của tội lỗi, để dẫn đưa họ đến sự tự do duy nhất xứng đáng với danh nghĩa ấy (x.Ga 8,32) : đó là sự sống trong Đức Giê-su Ki-tô, dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, ở đời này và trong Nước Trời, trong sự sung mãn của hạnh phúc được thấy Thiên Chúa nhãn tiền (x.1Cr 13,12; 2Cr 5,6-8).
Ban hành ngày 11.10.1992, nhân dịp kỷ niệm 30 năm ngày khai mạc Công Đồng Va-ti-ca-nô II, năm thứ 14 nhiệm kỳ giáo hoàng của tôi.
LỜI MỞ ĐẦU
“Lạy Cha...sự sống đời đời, chính là (họ) nhận biết Cha, Đấ ng duy nhất là Thiên Chúa thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Đức Giê-su Ki-tô” (Ga 17,3) “Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ chúng ta,... muốn cho mọi người được cứu và nhận biết chân lý” (1Tm 2,3-4). “Ngoài danh Đức Giê-su, dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mới được cứu độ” (Cv 4,12)
I. SỰ SỐNG CON NGƯỜI - NHẬN BIẾT VÀ YÊU MẾN THIÊN CHÚA
1
Thiên Chúa là Đấng Toàn Thiện và Hạnh Phúc khôn lường. Theo ý định nhân hậu, Người đã tự ý tạo dựng con người, để họ được thông phần sự sống vĩnh phúc. Do đó, Người đã đến với con người. Thiên Chúa kêu gọi con người, giúp họ tìm kiếm, nhận biết và đem hết tâm lực yêu mến Người. Thiên Chúa triệu tập mọi người đã bị tội lỗi phân tán để hợp nhất thành gia đình của Người là Hội Thánh. Để thực hiện điều này, khi tới thời viên mãn, Người đã cử Chúa Con đến làm Đấng chuộc tội và cứu độ. Trong và nhờ Người Con ấy, Thiên Chúa kêu gọi loài người trở nên nghĩa tử trong Chúa Thánh Thần, và do đó, được thừa kế đời sống hạnh phúc của Người.
2
Để cho tiếng gọi ấy vang lên trong toàn cõi địa cầu, Đức Ki-tô đã sai phái các tông đồ do Người tuyển chọn, trao cho các ông nhiệm vụ loan báo Tin Mừng : “Hãy đi, và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,19-20). Vững tin vào sứ mạng ấy, các tông đồ ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cộng tác với các ông và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng (Mc 16, 20).
Поделитесь с Вашими друзьями: |